Tạo sinh kế cho người dân vùng đệm là cách thức bảo vệ rừng bền vững

Trong nỗ lực bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học tại các khu rừng đặc dụng thì việc xây dựng các mô hình sinh kế cho cộng đồng người dân vùng đệm không chỉ là giải pháp kinh tế, mà còn là chìa khóa quan trọng để bảo vệ rừng bền vững.

Được thành lập vào giữa năm 2020, Khu dự trữ thiên nhiên Động Châu-Khe Nước Trong có diện tích hơn 22 ngàn hecta rừng đặc dụng nằm trên giới hành chính xã Kim Thủy. Vùng đệm của Khu dự trữ thiên nhiên có 05 bản sinh sống: An Bai, Hà Lẹc, Rum Ho, Mít Cát, Trung Đoàn. Người dân ở đây chủ yếu là người Bru Vân Kiều, trình độ dân trí còn thấp, đời sống hằng ngày chủ yếu dựa vào trồng trọt, chăn nuôi nhỏ lẻ và phụ thuộc vào tài nguyên rừng nên công tác quản lý, bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học tại đây còn nhiều thách thức.

Bản Rum Ho, xã Kim Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ (Quảng Bình). Ảnh: Bạch Thanh Hải

BQL Khu dự trữ thiên nhiên Động Châu-Khe Nước Trong là đơn vị sự nghiệp công lập được thành lập vào cuối năm 2020 với nhiệm vụ quản lý, bảo vệ, phát triển rừng đặc dụng, bảo tồn thiên nhiên, phát huy các giá trị đa dạng sinh học, nguồn gen sinh vật, mẫu chuẩn hệ sinh thái, các giá trị văn hóa, lịch sử; nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế, cứu hộ và phát triển sinh vật; giáo dục nâng cao nhận thức môi trường và cung ứng dịch vụ môi trường rừng; phát triển du lịch sinh thái. Ông Bạch Thanh Hải- Giám đốc BQL cho biết: “Khu dự trữ thiên nhiên Động Châu-Khe Nước Trong cho biết là đơn vị mới thành lập, các điều kiện cơ sở vật chất hạ tầng, biên chế cán bộ chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế trong khi đời sống của người dân vùng đệm còn phụ thuộc nhiều vào tài nguyên rừng nên công tác bảo vệ rừng còn gặp nhiều khó khăn. Để công tác bảo vệ rừng đạt hiệu quả và có tính bền vững, Lãnh đạo BQL đã xác định bên cạnh thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn thì việc xây dựng, tạo các mô hình sinh kế cho người dân vùng đệm là chìa khóa, là cách thức bảo vệ rừng bền vững’’.

Khu DTTN Động Châu – Khe Nước Trong với đa dạng phong phú nhiều loài động thực vật tạo nên một bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹ sẽ là một điểm đến hấp dẫn, đầy hứa hẹn với các du khách thích khám phá, hòa mình vào thiên nhiên.

Trong năm 2023, với sự hỗ trợ của tổ chức Helvetas đã thực hiện hợp phần “Thúc đẩy sản xuất kinh doanh thân thiện với bảo tồn cho các cộng đồng sống phụ thuộc vào rừng”. Xây dựng mô hình phát triển du lịch cộng đồng kết hợp du lịch sinh thái, cải tạo căn nhà sàn truyền thống thành các Homestay, tổ chức đào tạo nghề cho 20 người dân vùng đệm về nghiệp vụ hướng dẫn viên du lịch, ẩm thực, văn hóa truyền thống, chăm sóc sức khỏe du khách về dược liệu… đây là bước khởi đầu có ý nghĩa quan trọng, tạo tiền đề cho hoạt động du lịch dựa vào cộng đồng tại cộng đồng người dân vùng đệm tại Khu dự trữ thiên nhiên trong thời gian tới.

Homstay và các sản phẩm dịch vụ du lịch trải nghiệm cộng đồng để tạo sinh kế bền vững cho bà con Bru-Vân Kiều tại Bản Rum – Ho.

Bên cạnh định hướng phát triển du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng, BQL cũng đã phối hợp với tổ chức Helvetas hướng dẫn kỹ thuật, xây dựng mô hình chuỗi liên kết sản phẩm và cung cấp 30 triệu đồng giống Nghệ đỏ, Dong trắng trồng canh tác trên diện tích 10 ha đất nương rẫy của người dân. Phối hợp Trung tâm Bảo tồn thiên nhiên Việt hỗ trợ 6.035 cây giống để trồng cây phân tán bao gồm các giống cây bản địa: Lim, Dổi, Huỷnh, Xoan Đào, Lát Hoa có giá trị 150 triệu đồng.

BQL phối hợp với tổ chức Havetas và Trung tâm bảo tồn thiên nhiên Việt hỗ trợ cây giống và hướng dẫn người dân vùng đệm kỹ thuật trồng cây bản địa

Các hoạt động hỗ trợ nâng cao năng lực sản xuất cho người dân vùng đệm cũng được BQL chú trọng. Từ nguồn hỗ trợ của chính sách phát triển rừng đặc dụng, sau khi họp thống nhất ý kiến với các thôn bản vùng đệm, BQL hỗ trợ 05 mô hình chăn nuôi giống Bò, Dê tại 05 thôn bản vùng đệm với số lượng 12 con Bò, 10 con Dê giống với tổng số tiền người dân hưởng lợi là 200.000.000 đồng.

BQL Khu DTTN Động Châu-Khe Nước Trong trao hỗ trợ mô hình sinh kế

giống Bò, Dê cho người dân Bản Hà Lẹc

Ngoài ra, BQL đang nghiên cứu và trồng thử nghiệm các mô hình trồng dược liệu dưới tán rừng, dự kiến khi các mô hình thành công có hiệu quả kinh tế sẽ tiến hành chuyển giao, hỗ trợ kỹ thuật, nguồn giống cho người dân vùng đệm để phát triển sinh kế.

Mô hình thử nghiệm trồng nấm linh chi dưới tán rừng Keo lai đang được BQL thử nghiệm, các bịch nấm sinh trưởng phát triển tốt sau 2 tháng trồng.

Tạo sinh kế cho người dân vùng đệm không chỉ là giải pháp cải thiện, phát triển kinh tế mà còn là cách thức bảo vệ rừng bền vững. Thông qua các hoạt động hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực cho phát triển du lịch sinh thái, đào tạo nghề, nâng cao năng lực sản xuất từ chăn nuôi đến trồng trọt tạo nên sự đa dạng nguồn thu nhập bền vững cho bà con người dân vùng đệm Khu dự trữ thiên nhiên từ đó góp phần quản lý bảo vệ rừng bền vững nơi đây./.

Mạnh Vương – Thanh Hải

BQL Khu DTTN Động Châu-Khe Nước Trong