Thực hiện 53 mô hình hỗ trợ sinh kế cho cộng đồng vùng đệm Khu Dự trữ thiên nhiên Động Châu-Khe Nước Trong

Thời gian qua, Ban Quản lý Khu dự trữ thiên nhiên Động Châu-Khe Nước Trong đã thực hiện các hoạt động hỗ trợ sinh kế cho cộng đồng người dân vùng đệm nhằm giảm áp lực lên tài nguyên rừng. Đây là một trong những giải pháp có hiệu quả trong quản lý, bảo vệ tài nguyên rừng và bảo tồn đa dạng sinh học.

Năm 2024, BQL Khu dự trữ thiên nhiên Động Châu-Khe Nước Trong đã phối hợp với UBND các xã Kim Thủy, Lâm Thủy và các bản vùng đệm triển khai 53 mô hình sinh kế, cấp phát hơn 140 con giống bò, lợn, dê cho các hộ gia đình tại 6 bản khó khăn trong vùng đệm nhằm giúp bà con tăng thu nhập và cải thiện đời sống.

BQL Khu DTTN Động Châu-Khe Nước Trong phối hợp với UBND xã Kim Thủy cấp phát con giống hỗ trợ sinh kế cho người dân bản An Bai (ảnh Hà Vũ Cao-Phòng Khoa học-HTQT)

Ông Hồ Văn Song – Trưởng Bản An Bai cho biết: “Các hộ gia đình khó khăn trong bản rất phấn khởi khi được nhận các mô hình sinh kế, với nguồn con giống được hỗ trợ bà con sẽ tập trung phát triển chăn nuôi, gây đàn để từng bước ổn định đời sống, phát triển kinh tế”.

Theo Nghị định 58/2024/NĐ-CP ngày 24/5/2024, cộng đồng dân cư thuộc vùng đệm của khu rừng đặc dụng được hỗ trợ bình quân là 50.000.000 đồng/cộng đồng dân cư/năm. Khu dự trữ thiên nhiên Động Châu-Khe Nước Trong là khu rừng đặc dụng có diện tích hơn 22 ngàn hecta nằm trên địa giới hành chính xã Kim Thủy, huyện Lệ Thủy thuộc khu vực biên giới đặc biệt khó khăn. Vùng đêm Khu dự trữ thiên nhiên có các bản An Bai, Hà Lẹc, Trung Đoàn, Rum Ho, Mít Cát, Bạch Đàn sinh sống, người dân ở đây chủ yếu là đồng bào dân tộc Vân Kiều, trình độ dân trí còn thấp, đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn.

Trong thời gian tới, BQL Khu dự trữ thiên nhiên Động Châu-Khe Nước Trong sẽ tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương để triển khai thực hiện có hiệu quả nguồn ngân sách hỗ trợ đầu tư giúp cộng đồng dân cư vùng đệm phát triển kinh tế, ổn định đời sống từ đó góp phần bảo vệ tài nguyên rừng, hướng đến mục tiêu quản lý rừng bền vững./.

Mạnh Vương

Phòng Khoa học-HTQT